Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân ngày quốc tế bảo vệ tầng ô- zôn
12/09/2014 08:50:29 AM (GTM +7)

 

NDĐT- Sáng ngày 16-9, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân ngày quốc tế bảo vệ tầng ô- zôn với chủ đề “Loại trừ các chất HCFC – Một cơ hội duy nhất”.

HCFC là hoá chất được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh và điều hoà không khí, nhiều nhất là trong ngành chế biến xuất khẩu thuỷ sản, sản xuất xốp panel cách nhiệt và tấm lợp cách nhiệt.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam tham gia Nghị định thư Montreal và trách nhiệm của nước ta trong các năm tiếp theo là loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC.

Với sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã hoàn thành xây dựng và trình Ban chấp hành Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư Montreal dự án “Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam”. Dự án đã được thông qua giai đoạn một với hỗ trợ tài chính cho Việt Nam là gần 10 triệu USD và được thực hiện từ năm 2012 đến 2016. Giai đoạn hai của dự án sẽ được xây dựng và vận động tài trợ vào năm 2015.

Ông Lương Đức Khoa, cán bộ Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trình bày báo cáo về hoạt động sử dụng chất HCFC tại Việt Nam, đồng thời nêu chi tiết dự án về loại trừ HCFC. Theo đó, kế hoạch bao gồm các vấn đề trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý dự án và tuyên truyền về loại trừ HCFC, các biện pháp chính sách đề xuất…

Phó Cục trưởng Nguyễn Khắc Hiếu khẳng định rằng, nguyên tắc đồng thuận của tất cả các quốc gia trên thế giới và của các ngành công nghiệp là quan trọng nhất. Ông cũng bày tỏ mong muốn qua buổi gặp mặt này, các cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình sẽ phối hợp và hợp tác với Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-zôn, góp phần vào việc loại bỏ hoàn toàn HCFC vượt lộ trình Nghị định thư Montreal đã đặt ra.

HẠNH NGUYÊN