Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn chất HCFC
12/09/2014 08:54:36 AM (GTM +7)
Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn chất HCFC

Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC vào năm 2030 theo quy định của Nghị định thư Montreal.

Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn chất HCFC

Chất HCFC được dùng trong các cơ sở làm máy lạnh, điều hòa

Đó là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Khắc Hiếu (Bộ TT&MT) tại buổi Kỷ niệm 25 năm Nghị Định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon và Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon, tổ chức tại TP.HCM chiều 16/9.

Nghị định thư Montreal được ký năm 1987 và được biết đến là Hiệp ước quốc tế có nhiều thành viên tham gia nhất, nhằm ngăn chặn việc sử dụng các chất chlofleorocarbon (CFC) và các chất hydrochlorofluorobon (HCFC), các chất khí có gốc clo làm giảm suy giảm tầng ozon – lá chắn bảo vệ trái đất chống lại các tia cực tím có hại từ mặt trời.

Hiệp ước này đã làm tròn “nhiệm vụ” của mình trong hơn hai thập kỷ có hiệu lực, với kết quả loại trừ toàn bộ các chất CFC, halon, CTC trên toàn thế giới, ngoại trừ một lượng nhỏ được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc hen. Các nước sản xuất CFC, halon và CTC đã đóng cửa các nhà máy sản xuất các chất này.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trên thế giới nếu không có Nghị định thư này, thế giới có thể phải đối mặt với sự tăng thêm 20 triệu ca ung thư da và 130 triệu ca đục thủy tinh thể, chưa kể đến tác hại do tia cực tím gây ra cho hệ thống miễn dịch của con người tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, chất HCFC vẫn đang tồn tại ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, các bên tham gia Nghị định thư Montreal đang đối mặt với thời hạn cuối cùng của việc tuân thủ đang tới, các nước đang phát triển phải ngưng mức tiêu thụ và sản xuất vào ngày 1/1/2013, loại trừ 10% vào năm 2015 và 97,5% vào năm 2030.

Tại Việt Nam, HCFC-22 là môi chất lạnh được ưa dùng trong các hệ thống và cơ sở làm lạnh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để loại trừ HCFC, Bộ TN&MT với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã xây dựng “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam”. Trong đó có 12 doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ.

Kế hoạch này dược chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2012 đến 2016 cần khoảng 10 triệu USD để loại trừ khoảng 2.500 tấn HCFC và polyol trộn lần HFFC. Giai đoạn 2 từ 2017 đến 2040, sẽ cần khoảng 15 triệu USD để loại trừ hoàn toàn việc sử dụng HCFC ở Việt Nam theo như lộ trình mà Nghị Định Montreal đã đặt ra.

Song, theo ông Lương Đức Khoa, đại diện Bộ TT&MT cho rằng, 12 doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là giá thiết bị chuyển đổi và giá nguyên liệu mới thay thế cho HCFC còn khá cao, dẫn tới giá thành sản phẩm tăng, phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhưng bù lại, mỗi doanh nghiệp sẽ hưởng từ 0,5 – 1 triệu USD tiền chuyển đổi, tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng chuyển đổi của các doanh nghiệp. Hơn nữa, sau khi chuyển đổi, các doanh nghiệp có thể mở rộng được thị trường xuất khẩu tại các nước châu Âu, Mỹ, là những nước đã cấm nhập khẩu các sản phẩm trực tiếp, gián tiếp chứa HCFC trong quá trình sản xuất.

Thúy Ngà